Bạn NHẤT ĐỊNH phải có Kỹ năng này: NHỜ SỰ TRỢ GIÚP KHẨN THIẾT TỪ NGƯỜI LẠ (Chống lại bệnh Vô tâm)
- Trisha Nguyen
- 1 thg 9, 2023
- 5 phút đọc
Đã có lần, mình đọc được một bài báo kể về những kẻ lừa đảo dàn cảnh làm người thân của nạn nhân rồi vô tư đánh đập, lôi họ đi trước ánh mắt của vô số người đi đường.
Cụ thể hơn, cách làm của chúng là để ý những nạn nhân đi một mình, thường là đàn bà con gái ít sức phản kháng. Chúng tiến lại gần, lớn tiếng chửi rủa, tát mạnh vào má, thô bạo kéo nạn nhân đi và luôn miệng:
"Mày dám bỏ nhà theo trai hả?",
"Mày gan lắm, về đây, về nhà tao dạy cho mày một bài học."
Chúng lôi họ đi đến nơi vắng vẻ rồi cướp bóc tài sản, thậm chí cưỡng hiếp họ.
Lúc này, nạn nhân bỗng bị đánh cho chới với, phản ứng lại rất chậm chạp. Họ bàng hoàng, ko hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Đến khi định thần lại, mở miệng kêu cứu thì lại bị ăn tiếp bạt tay. Họ gào khóc, van xin mọi người xung quanh. Nhưng Người xung quanh lại tưởng là chuyện gia đình riêng của nhà người ta nên không ai nhúng tay vào.

Nạn nhân kể lại:
"Lúc đó, em rất tuyệt vọng. Mọi người không ai đến giúp em. Mặc kệ em có ra sức kêu la, cầu xin họ, nói em không quen biết người này thì cũng không ai có ý định cứu giúp cả."
Khi bài báo được lan truyền, cộng đồng mạng chia sẻ như vũ bão. Vô số người bức xúc trước thái độ bàng quang của người đi đường, một số khác tuyệt vọng và thiếu niềm tin vào lòng người.
"Xã hội giờ vô tâm quá. Sao ko ai vào ngăn cản chứ??"
"Lạnh nhất cũng ko bằng lòng người."
"Cứ tưởng nơi ít người mới nguy hiểm, ai dè nơi đông người nhưng vẫn nguy hiểm như thường."
...
Còn bạn, nếu đặt trường hợp bạn là cô gái ấy thì bạn sẽ làm gì?
Bạn sẽ hô hào uy vũ, kêu gọi người xung quanh giúp đỡ?
Hình như cô gái đã làm điều này. Và thất bại.
Hay bạn sẽ dùng cú đấm nặng 150kg móc thẳng vào sườn dưới kẻ lừa đảo?
À đừng quên, bạn đang là một cô gái nâng 20kg gạo còn xiểng niểng, bạn không phải The Rock!
Vậy cuối cùng, trong tình trạng khẩn cấp này, bạn cần làm chính xác điều gì để có thể an toàn thoát nạn?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải biết được câu trả lời cho câu hỏi:
"Tại sao mọi người xung quanh không một ai giúp đỡ cô gái?"
Vì sợ phiền phức?
Vì vô tâm?
Có thể đó cũng là lý do, nhưng một nghiên cứu của Giáo sư tâm lý học Robert Beno Cialdini đã chỉ rõ 3 nguyên nhân chính khiến người xung quanh thờ ơ khi người khác gặp nạn:
1. Tính không chắc chắn
2. Mật độ
3. Độ thân quen
Hãy cùng phân tích kỹ 3 nguyên nhân này.
1. TÍNH KHÔNG CHẮC CHẮN
Chúng ta đang sống ở một thời đại mà mọi thứ đều diễn ra quá nhanh và khó nắm bắt. Nếu chúng ta quan tâm và để ý từng tiểu tiết chắc chắn sẽ bị quá tải và dẫn đến stress.
Do đó, não chúng ta tự động bỏ qua, lờ đi những sự việc mà nó chưa có đủ thông tin.
Đó cũng là lý do, nhiều người nhìn thấy sự việc khẩn cấp nhưng vẫn ko hành động giúp đỡ ngay.
2. MẬT ĐỘ
Khi càng có nhiều người cùng chứng kiến thì khả năng nạn nhân được giúp đỡ sẽ càng thấp. Vì ai cũng nghĩ rằng, ko có mình thì cũng có người khác giúp.
3. ĐỘ THÂN QUEN
Ở trong một đám đông xa lạ, chúng ta khó đọc được cảm xúc lo lắng từ người khác. Điều này dẫn đến tình trạng đánh giá sai mức độ nguy hiểm của sự việc và kết quả là chúng ta ko hành động gì.
Cả 3 đặc điểm trên tăng mạnh khi bạn sống ở thành thị. Như vậy, khi bạn gặp nạn ở thành thị thì cơ hội được giúp sẽ thấp hơn khi bạn ở nông thôn.
(Do ở nông thôn mọi người thường quen biết nhau, hiểu rõ cách phản ứng thường ngày của nhau và mật độ thưa thớt)
*****
Sau khi hiểu rõ nguyên nhân, chúng ta đã tìm được cách để nhận được sự trợ khẩn cấp giúp nơi đông người.
Đó chính là: CỤ THỂ HÓA HÀNH ĐỘNG VÀ CHỈ ĐÍCH DANH ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN HÀNH ĐỘNG ĐÓ
Ví dụ:
Một người đàn ông đang lên cơn đau tim, ông biết nếu không nhanh chóng tìm người trợ giúp ông có thể chết.
Nếu lúc này, ông chỉ ú ớ kêu cứu khắp nơi, có thể sẽ phải mất một khoảng thời gian cho đến khi may mắn có người gọi xe cứu thương cho ông.
Điều ông cần làm là tìm một đối tượng bất kì và nói:
"Anh, người mặc áo khoác đỏ, nón lưỡi trai. Mau gọi cấp cứu, tôi đang lên cơn đau tim."
Người qua đường được chỉ đích danh lúc này vô hình chung đã nhận lấy trách nhiệm giúp đỡ người đàn ông. Vì não bộ của anh đã hiểu đc tính nghiêm trọng của sự việc (liên quan tới mạng người), cộng thêm nó biết chính xác việc cần làm (gọi cứu thương) nên phản ứng của anh chắc chắn là móc điện thoại ra gọi người giúp đỡ.
Trong tình huống nguy cấp, chỉ cần chậm trễ thêm một phút thì tính mạng của nạn nhân càng khó giữ. Do đó, hành động giúp đỡ phải ngay lập tức được thực hiện.
Phương pháp trên là cách nhanh nhất đánh tan được mọi lý do gây ra căn bệnh vô tâm. Nói chính xác hơn là sự bối rối của não bộ trước lượng thông tin khó đoán, biến thiên liên tục của xã hội.
Kết
Hãy nắm chắc phương pháp này:
CHỈ ĐỊNH 1 NGƯỜI CỤ THỂ VÀ 1 HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ (CHO 1 NGUYÊN NHÂN CỤ THỂ)
Ví dụ:
"Thanh niên lái xe tải màu xanh mau gọi cứu thương tôi đang bị chảy máu rất nhiều!"
"Cô gái mặc váy đỏ mau lấy thuốc trong túi giúp tôi tôi đang lên cơn suyễn!"
...
Nếu được, mong bạn hãy chia sẻ hoặc nói lại điều này cho gia đình, bạn bè mình cùng biết.
Đây không phải là trù ẻo bạn gặp phải tai nạn. Nhưng chúng ta không thể lường được tính vô thường của cuộc đời. Do đó, càng có nhiều kỹ năng có ích thì nếu không may gặp phải khó khăn thì cơ hội bạn vượt qua càng cao.
Mến chào và Chúc Bạn Bình an,
Trisha.